Đi tìm lời giải cho bài toán vận chuyển, kết nối xuất khẩu nông sản của khu vực này, Bưu điện Việt Nam đã thiết kế và tăng cường nhiều giải pháp chuyên biệt về logistics với sự đầu tư bài bản cả về cơ sở hạ tầng lẫn nhân lực cũng như các dịch vụ bổ trợ.
Vốn là vựa nông sản phong phú nhất cả nước nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng logistics tại khu vực Miền Tây chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh trong nước cũng như xuất khẩu sang các thị trường lân cận.
Trung bình mỗi năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của miền Tây vào khoảng 18 triệu tấn. Khu vực này đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Song số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại đây chỉ chiếm hơn 4% tổng số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này trên cả nước. Trong khi đó phần lớn các dịch vụ chỉ dừng lại ở các hoạt động riêng lẻ, liên kết giữa các phương thức vận tải lỏng lẻo dẫn đến chi phí vận chuyển tăng từ 10-40%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nông sản miền Tây giảm sức cạnh tranh nghiêm trọng so với các sản phẩm nông nghiệp của các nước trong khu vục và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc thiếu cảng biển nước sâu, thiếu hệ thống kho bãi, thiếu trung tâm logistics trọng điểm và các trung tâm vệ tinh,… cũng khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tại các tỉnh miền Tây tăng cao, kìm hãm sự phát triển, giảm năng lực cạnh tranh của nông sản miền Tây.
Đi tìm lời giải cho bài toán vận chuyển, kết nối xuất khẩu nông sản của khu vực này, Bưu điện Việt Nam đã thiết kế và tăng cường nhiều giải pháp chuyên biệt về logistics với sự đầu tư bài bản cả về cơ sở hạ tầng lẫn nhân lực cũng như các dịch vụ bổ trợ.
Tận dụng lợi thế mạng lưới phủ rộng khắp cả nước đến tận thôn, xã, biên giới, hải đảo với hơn 13.000 điểm phục vụ, hàng ngàn tuyến đường thư kết nối vận chuyển không chỉ trong nước mà còn mở rộng đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt với hệ thống phương tiện chuyên dụng phù hợp với các mặt hàng nông sản, trái cây tươi, cùng hơn 5 vạn lao động, Bưu điện Việt Nam đã thiết lập hệ thống các trung tâm logistics đồng bộ tại các khu vực kinh tế trọng điểm tại miền Tây cũng như một số tỉnh miền Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ…. nhằm tăng cường tính liên kết trong vận chuyển, tối ưu thời gian toàn trình và giảm các chi phí trung gian.
Từ kinh nghiệm vận chuyển thành công nhiều loại nông sản, Bưu điện Việt Nam đã và đang xây dựng mô hình kinh doanh Logistics chuyên biệt dành cho nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về lưu trữ, bảo quản, vận chuyển phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu quốc tế. Để bảo toàn giá trị nông sản đến tay người tiêu dùng, Bưu điện Việt Nam đang triển khai xây dựng hệ thống kho lạnh với trang thiết bị hiện đại tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và các giải pháp về luồng ưu tiên tối ưu dành cho vận chuyển nông sản bằng xe tải, container lạnh chuyên dụng, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng nông sản nội địa và xúc tiến xuất khẩu.
Tại Hội thảo “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT” diễn ra trong tháng 7 vừa qua tại tỉnh Hậu Giang, ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Nếu như năm 2021 là năm tiền đề, thử nghiệm thành công các dự án liên quan đến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản thì năm 2022 được đánh giá là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển nói chung và Bưu điện Việt Nam nói riêng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhà nông tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo một lộ trình bài bản và hiệu quả hơn.
Bưu điện Việt Nam đã xây dựng hệ sinh thái số trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ giúp kết nối và đẩy mạnh đầu ra cho nông sản mà còn tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp nước nhà. Trong đó logistics là mắt xích quan trọng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản và hàng hóa cho hộ sản xuất nông nghiệp trên cả nước nói chung và các tỉnh miền Tây nói riêng.
“Với khát vọng trở thành doanh nghiệp Logistics hàng đầu, bên cạnh việc không ngừng mở rộng năng lực chuyển phát, vận chuyển, giao hàng chặng cuối, Bưu điện Việt Nam đã tham gia sâu và mở rộng cho kết nối vận chuyển, xuất khẩu nông sản theo hướng tối ưu chu trình chuỗi cung ứng chuyên biệt logictics trong nước và quốc tế”, Ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Cùng với các giải pháp đồng bộ của các Bộ ngành, địa phương, việc tăng cường các giải pháp Logistics của các doanh nghiệp lớn như Bưu điện Việt Nam sẽ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản các tỉnh miền Tây.