Huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng trong khu vực nhưng thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Để giúp nông dân quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm, sáng ngày 11/10, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bưu điện Quảng Trị tổ chức khai trương “Gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản” tại Bưu điện Huyện. Với việc chào bán sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postm
Nông dân Hải Lăng làm quen với công nghệ 4.0
Đã qua rồi cái thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, nông dân Hải Lăng thời 4.0 đã bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển mình thay đổi tư duy, từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị của nông sản, vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương.
Nông trại Khe Mương của Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Bàu Giàng tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng là đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ sinh học. Ông Nguyễn Đăng Bòn, quản lý nông trại cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, đa số công việc trong trồng trọt đều được chúng tôi số hóa. Cụ thể, chúng tôi dùng điện thoại để điều khiển hệ thống tưới nước tự động. Nông trại tự sản xuất các loại men/nấm vi sinh như nấm Trichoderma, nấm tricô-phytoph, nấm ba màu, men vi sinh EM và phân vi sinh từ trứng gà và sữa tươi... Nhờ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học nên giảm được tối đa chi phí nhân công lao động, đặc biệt nhờ cây trồng không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa học nên sản phẩm bán được giá rất cao”.
Trong 30 đặc sản của Hải Lăng lên sàn thương mại điện tử lần này, có sản phẩm cam và bưởi da xanh hữu cơ của công ty Bàu Giàng được chứng nhận đạt chất lượng hữu cơ, 11 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 2-3 sao và nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những năm trở lại đây, dưới sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin, thị trường thương mại thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có bước chuyển dịch đáng kể. Trong số đó, nổi trội nhất phải kể đến sự xuất hiện ồ ạt của các ứng dụng bán hàng online. Cùng chung xu hướng đó, nông dân Hải Lăng ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua kênh mua bán trực tuyến. Chị Đào Thị Vui, chủ cơ sở sản xuất muối đậu sả Phương Anh ở xã Hải Phong cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ bán hàng trực tuyến qua các trang TMĐT như: voso.vn, lazda, shopee nên sản phẩm của cơ sở sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó”.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị rất quan tâm và khích lệ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ. Thông qua Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) với những cơ chế hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và quy trình giám sát, phân loại, nâng hạng sản phẩm theo từng năm, ngành Nông nghiệp cũng hướng người dân bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới. Đó là chú trọng đến chất lượng, quy trình công nghệ và giá trị thương hiệu.
Với việc chào bán sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, hứa hẹn các đặc sản của vùng đất gió cát này sẽ đến được với khách hàng cả nước sau cú click chuột.
Cần tăng cường công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu
Sàn thương mại điện tử thực ra chỉ là chợ bán hàng, ở đó có rất nhiều sản phẩm cùng loại và cạnh tranh gay gắt từ giá cả cho đến chất lượng sản phẩm. Do đó, nếu người bán chào hàng nhưng người mua không hề biết đến thương hiệu của sản phẩm để mua thì việc chào hàng quan sàn thương mại điện tử cũng không mấy ý nghĩa. Muốn khách hàng biết đến sản phẩm thì công tác quảng bá thương hiệu vô cùng quan trọng. Do vậy, chỉ đưa hàng lên sàn TMĐT thôi chưa đủ mà phải tăng cường công tác quảng bá thương hiệu. Với những sản phẩm đặc sản của Hải Lăng, việc xây dựng thương hiệu đã được tỉnh Quảng Trị và huyện Hải Lăng quan tâm, song công tác quảng bá sản phẩm còn hạn chế, do đó giá bán sản phẩm chưa cao, sản lượng tiêu thụ còn thấp, một số cơ sở chưa phát huy hết công suất của mình.
Để công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu có hiệu quả, nên chăng, chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện cần đứng ra tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, hàng năm nên tổ chức các chương trình tuần lễ nông sản địa phương hoặc hội chợ thương mại và nông sản… như cách làm của các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ và một số tỉnh phía bắc. Cần có một sự nỗ lực và kế hoạch hành động từ phía cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ đầu ra cho đặc sản Hải Lăng nói riêng và Quảng Trị nói chung. Trong đó, trước hết là quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu, vì thương hiệu là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng căn cứ ra quyết định mua hàng.
Một giải pháp nữa được nhiều chuyên gia khuyến dùng để làm tăng vị thế đặc sản Hải Lăng là cần tạo liên kết vùng giữa các địa phương, thông qua sự hợp tác của các trung tâm xúc tiến thương mại nhằm gắn kết giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ.
Sàn thương mại điện tử không phải là “ông bụt” để tiêu thụ sản phẩm. Nó chỉ phát huy tác dụng khi người bán hàng biết quảng bá thương hiệu cho người mua biết đến thương hiệu của sản phẩm.
Postmart.vn là sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) được sáng lập và vận hành bởi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vào đầu năm 2019. Đây là mô hình thu mua nông sản sấy khô tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Postmart.vn đã giúp nhiều hộ kinh doanh, tổ chức, doanh nghiệp (DN) có thêm kênh bán hàng thông minh, nhiều tiện ích, dễ quản lý và theo dõi, tiếp cận được đối tượng tiêu dùng rộng lớn hơn.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia và Quyết định số 1034/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông "Về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn", ngay từ đầu năm 2022, Bưu điện tỉnh đã tổ chức ký thỏa thuận hợp tác với Hội Nông dân tỉnh nhằm phối hợp rà soát, đào tạo kỹ năng số cho các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, Tổ hợp tác, DN (gọi chung là hộ SXNN) tham gia kinh doanh trực tuyến trên sàn TMĐT Postmart.vn.