Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với nông nghiệp đạt 50%, thủy sản đạt 55% và lâm nghiệp đạt 30%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 80%; chăn nuôi trang trại, khu chăn nuôi tập trung chiếm 80%.
Bắc Giang cũng đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trọng tâm là áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), công nghệ sản xuất sạch, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín. Bên cạnh đó, Bắc Giang tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, phấn đấu giá trị 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng bình quân 5%/năm.
Bắc Giang chú trọng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, quan tâm nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, Bắc Giang quan tâm thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, trong đó tập trung: xây dựng bộ dữ liệu để số hóa toàn bộ các vùng sản xuất tập trung, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, cấp mã số định danh cho các trang trại, hộ chăn nuôi theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, xây dựng mã QRcode, tiêu thụ nông sản qua nền tảng online, sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gieo hạt giống... Cùng đó, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Bắc Giang phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch. Tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững.
Bắc Giang cũng tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ; đồng thời hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc.
Cùng với đó, Bắc Giang phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng khoa học công nghệ và quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP); tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; phát triển nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái....
Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại có hiệu quả; hoàn thiện sớm các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), công nghệ sản xuất sạch, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín áp dụng phù hợp trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bắc Giang.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã triển khai xây dựng được 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả (trồng trọt 332 mô hình, chăn nuôi 200 mô hình, thủy sản 210 mô hình, lâm nghiệp 24 mô hình) có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Với các mô hình này, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu như: Vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch, gỗ chế biến.
Bắc Giang đã hoàn thiện công nghệ sản xuất hạt lúa lai ba dòng, sản xuất giống lúa thuần chất lượng BG1, BG6; sản xuất khoai tây giống bằng công nghệ khí canh; sản xuất giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã áp dụng các biện pháp 3 giảm, 3 tăng (SRI) trong canh tác lúa.
Tại huyện Lục Ngạn, đã áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong canh tác; ứng dụng công nghệ thời tiết thông minh iMetos, ứng dụng quản lý phần mềm VietGAP, mã QRcode truy xuất nguồn gốc, công nghệ tưới thông minh cho vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các cây có múi...