Chuyển đổi số trên quê hương cách mạng La Bằng

La Bằng là một trong hai xã được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn triển khai chương trình chuyển đổi số. Sau hơn 1 năm thí điểm, xã đã ghi nhận hiệu quả bước đầu, dần tạo nên mô hình xã thông minh, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, khẳng định hướng đi đúng của quê hương cách mạng.

Chuyen doi so tren que huong cach mang La Bang hinh anh 1

Nằm trong chương trình thí điểm về chuyển đổi số, Hợp tác xã chè La Bằng đã được hỗ trợ triển khai và đào tạo sử dụng nền tảng quản lý bán hàng CMC Agri-Connect. Đến nay, Hợp tác xã đã có các gian hàng giới thiệu sản phẩm trên Shopee, Lazada, Sendo… Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã chè La Bằng với khách hàng. Ảnh: thainguyen.gov.vn

Theo dấu lịch sử cách đây 86 năm, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được thành lập tại xóm Lau Sau, xã La Bằng (huyện Đại Từ) với 4 đảng viên đều là người dân tộc Nùng. Từ đây, phong trào cách mạng được lan tỏa mạnh mẽ trong thời kỳ 1936-1939 ở Thái Nguyên và vùng Việt Bắc, tạo nên cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền phong kiến, thực dân, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Xã La Bằng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang và công nhận là xã An toàn khu. Phát huy truyền thống cách mạng, luôn đi đầu trong mọi mặt, là xã đầu tiên đạt xã Nông thôn mới của tỉnh, La bằng được chọn là xã điểm triển khai nghị quyết về chuyển đổi số.

Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng chia sẻ: Trước đây, khi chưa triển khai chuyển đổi số, hệ thống nền tảng số tại địa phương mới dừng lại ở việc phủ sóng di động, cáp quang, song tốc độ kết nối mạng internet còn chậm. Một số phần mềm trong hệ thống Chính quyền số như: Phần mềm kế toán, bảo hiểm, hộ tịch, dữ liệu dân cư… được triển khai cơ bản nhưng còn nặng về hình thức. Về kinh tế số, xã chưa đưa được sản phẩm của địa phương lên các sàn giao dịch điện tử, mới chỉ giao dịch qua các mạng xã hội như zalo, facebook… Hệ thống xã hội số vẫn còn khó khăn do nền tảng quản lý còn vướng mắc; người dân chưa được tiếp cận với việc kết nối ứng dụng tư vấn sức khỏe. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa chưa được triển khai…

Khi chính thức bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự đồng tình ủng hộ cao của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân trong xã, sau hơn 1 năm triển khai, nhận thức của người dân về chương trình chuyển đổi số được nâng lên. Cán bộ xã đã sử dụng thành thạo các phần mền trong quản lý, điều hành công việc. Công tác tuyên truyền nhân dân sử dụng dịch vụ công để giải quyết các thủ tục hành chính được đẩy mạnh với hệ thống máy tính được lắp đặt tại trụ sở xã để phục vụ người dân tra cứu thông tin về tình hình kinh tế - xã hội. Các phần mềm, tốc độ mạng trong giáo dục, y tế được nâng cấp, đồng bộ… Đặc biệt, trong tháng 2/2022, xã La Bằng ra mắt mô hình camera giám sát an ninh để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như chất lượng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, hệ thống kinh tế xã đã phát triển nền tảng quản lý bán hàng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn để đưa các sản phẩm nông sản của địa phương lên giàn giao dịch thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng cho biết: Nằm trong chương trình thí điểm về chuyển đổi số, Hợp tác xã đã được triển khai và đào tạo sử dụng nền tảng quản lý bán hàng CMC Agri-Connect. Đến nay, Hợp tác xã đã có các gian hàng giới thiệu sản phẩm trên Shopee, Lazada, Sendo… Ngoài ra, Hợp tác xã còn được cấp tài khoản demo gồm tài nguyên lưu trữ để vận hành thử nghiệm việc quản lý đơn hàng, theo dõi các đơn hàng đến từ các nguồn trực tuyến, ngoại tuyến và thông luồng vận chuyển với VnPost; đồng thời được hướng dẫn triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản CMC FoodTrust. Những kiến thức này đã trợ giúp nhiều cho Hợp tác xã trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Việc ứng dụng nền tảng số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số tại La Bằng đã giúp người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích trong cuộc sống. Tương tác giữa chính quyền với người dân được thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, xã đã triển khai lắp đặt, kết nối 20 camera về trung tâm điều hành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống một cửa điện tử của xã đang được vận hành, sử dụng thường xuyên và đã kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh; 100% cán bộ, công chức xã đã được cấp và sử dụng hòm thư điện tử công vụ tại địa chỉ http://mail.thainguyen.gov.vn.

Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, từ khi thực hiện chuyển đổi số, xã đã triển khai nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không còn tình trạng tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản như trước.

Theo ông Đào Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã, bí quyết thành công trong chuyển đổi số tại La Bằng chính là có một tập thể đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm, nhiệt tình trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong xã đã tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp về chuyển đổi số .

Tiếp tục khẳng định hiệu quả của mô hình xã thông minh, thời gian tới, La Bằng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo có hiệu quả các nền tảng có sẵn trong chuyển đổi số, xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn… Đặc biệt, nơi ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên ở xóm Lau Sau, xã La Bằng sẽ gắn mã QR Code để phục vụ du khách tới tham quan và tìm hiểu về lịch sử.

Luôn đi đầu trong mọi phong trào, quê hương cách mạng La Bằng ngày càng khẳng định vị thế trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Xác định thương mại điện tử là hướng đi mới để đưa các sản phẩm nông sản tỉnh nhà vươn xa hơn nữa, Hậu Giang đang đẩy mạnh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng và áp dụng khoa học công nghệ nói chung là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa đạt được yêu cầu từ truy xuất nguồn gốc, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tới sử dụng máy bay không người lái vào sản xuất.

Nhiều sản phẩm OCOP của TP.HCM đã lên các sàn thương mại điện tử. Dù mới tiếp cận nhưng lượng khách hàng thông qua các kênh này được đánh giá khả quan và nhiều tiềm năng.

“Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp số, nông dân số và các dịch vụ số tạo ra những sản phẩm an toàn có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao” là một mục tiêu quan trọng trong chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030 của ngành nông nghiệp Hải Phòng.

Có một chàng trai đã từ bỏ công việc công nghệ thông tin (IT) với thu nhập cao để chuyển sang kinh doanh nông sản sản và các loại hạt dinh dưỡng hướng đến sức khỏe, với khát vọng cháy bỏng muốn nâng tầm giá trị của nông sản Việt Nam.