Bắt nhịp với các tiến bộ khoa học công nghệ và chủ động ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, những nông dân thời công nghệ 4.0 tại Phú Thọ đã chủ động thay đổi tư duy, cách làm để tiếp cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh.
Từ sự nhanh nhạy của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số, chị Bùi Thị Thanh Hoa, ở khu Cộng Hòa, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Toàn Thắng với 35 thành viên, xây dựng hệ thống nhà màng trồng rau, củ, quả an toàn với quy trình sản xuất công nghệ cao, diện tích 1.500m2, trị giá trên 1,2 tỉ đồng, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến như sử dụng hệ thống bón phân, tưới nước nhỏ giọt, phun sương tự động, gieo trồng trên giá thể, kiểm soát dinh dưỡng, độ ẩm… Nhiều công đoạn như chăm sóc, theo dõi đã được chị quản lý, thực hiện qua phần mềm trên điện thoại thông minh, giúp tiết kiệm tối đa chi phí và nhân công.
Bên cạnh đó, chị Hoa còn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Từ đó, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng. Đến nay, các sản phẩm của HTX đang được đưa vào nhiều bếp ăn của các trường mầm non trên địa bàn tỉnh và vươn rộng đến nhiều thị trường các tỉnh lân cận, giúp HTX có doanh thu mỗi năm đạt gần một tỉ đồng.
Tương tự, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đã đem lại thành công cho anh Lê Thành Sự - Giám đốc HTX chăn nuôi Đỗ Sơn ở xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba. 14 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà nhưng chỉ đảm bảo mức thu nhập trung bình nên năm 2021, anh Sự đã tìm hiểu, nghiên cứu và nâng cấp trang trại sử dụng công nghệ chăn nuôi tự động.
Anh Sự chia sẻ: Nếu như trước đây, trang trại của tôi phải thuê gần 20 lao động thường xuyên mới đảm bảo ổn định sản xuất nhưng hiện nay, tôi chỉ thuê 5 lao động thường xuyên là có thể một mình kiểm tra nhiều chuồng hoặc chỉ cần một nút ấn trên điện thoại là có thể biết được. Chính vì vậy đã giúp gia đình giảm đáng kể chi phí thuê nhân công và tiết kiệm trong sản xuất. Hiện tại, trang trại xuất khoảng 60 - 80 tấn gà/ tháng, doanh thu đạt 2 tỉ đồng/tháng.
Thực tế cho thấy, bên cạnh sự tham gia từ phía các đơn vị, doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân cũng đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững hơn.
Sự bùng nổ về công nghệ cũng tạo môi trường thuận lợi cho nông dân khi các đầu ra sản phẩm được mở rộng hơn thông qua các kênh mua bán trực tuyến thương mại điện tử, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa… là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa.
Thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp hỗ trợ các thủ tục hồ sơ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hướng người dân bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới. Đặc biệt, phối hợp với Bưu điện tỉnh, Sở Công Thương đưa các sản phẩm của người nông dân giới thiệu rộng rãi trên Sàn giao dịch thương mại điện tử và Trang thông tin điện tử chuyên biệt về OCOP của tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu mặt hàng của mình đến nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ông Dương Đình Khắc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các huyện, thành, thị Hội tuyên truyền, tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thời đại 4.0, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm. Tham gia đưa nông dân lên sàn giao dịch điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử Potsmat.vn, đổi mới sáng tạo, hội nhập và quyết tâm tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.