Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đã giúp ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao giá trị sản xuất.
Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp bình quân 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp của vùng đạt 4,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (3,76%).
|
Ứng dụng kinh tế số nhiều mặt hàng nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long được mở rộng thị trường xuất khẩu
|
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long vùng đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, trong đó ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, áp dụng kinh tế tuần hoàn là động lực mới cho tăng trưởng ngành nông nghiệp của vùng theo hướng bền vững.
Thực tế, thời gian qua mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số với công nghệ 4.0 tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể là giúp tự động hóa giám sát cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh... Việc thực hiện canh tác an toàn còn hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, giúp nông dân làm giàu từ kinh tế và có trách nhiệm với người tiêu dùng.
Tỉnh Đồng Tháp với Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh mục tiêu là đến năm 2025 đạt 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội; phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng 7 làng thông minh, 7 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 15% đến 20% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử...
Hay tại Sóc Trăng là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào, đa dạng, đặc biệt là gạo, thủy sản và nông sản chế biến. Nhờ quản lý nước, áp dụng điều tiết nước theo nhu cầu cây lúa, áp dụng tốt quy trình ngập khô xen kẽ bằng công nghệ 4.0 thông qua hệ thống cảm biến mực nước hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động giúp giảm được chi phí bơm tưới, nâng năng năng suất và chất lượng cho những vùng lúa chất lượng cao. Giá trị xuất khẩu của Sóc Trăng năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, trong đó thủy sản chiếm hơn 1 tỷ USD và gạo 213 triệu USD. Kết quả này có được nhờ địa phương áp dụng thành công kinh tế số trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022- 2025, thành phố Cần Thơ đã lồng ghép chuyển đổi số trong công tác khuyến nông, đổi mới sáng tạo để khuyến khích nông dân tham gia chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Hiện thành phố có hơn 25.000 hộ sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất và đăng ký tham gia tiêu thụ nông sản trên môi trường số, với gần 500 sản phẩm.
Thành phố cũng đã hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart.vn và ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, cổng thông tin kết nối tiêu thụ các nông sản chủ lực của Cần Thơ thu hút 43 doanh nghiệp đăng ký tham gia gồm 25 doanh nghiệp chế biến nông sản, 6 hợp tác xã, 1 trung tâm dịch vụ nông nghiệp và 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có 133 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó có 41 sản phẩm OCOP, được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử lớn và cổng thông tin này, giúp việc quảng bá, tiêu thụ thuận lợi hơn.
Nhiều địa phương trong vùng có thế mạnh sản xuất trái cây như Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang... cũng áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, nên các loại trái cây. Hiện nhiều loại trái cây như thanh long, xoài... không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn tới các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu nhờ vào quy trình sản xuất sạch, an toàn.
Nhằm tăng cường đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa khởi động “Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong”.
Theo ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chương trình “Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong” cung cấp miễn phí dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu cho 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; 500 gói dịch vụ tra cứu thông tin doanh nghiệp ở nước ngoài miễn phí nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu và hợp tác thương mại; hỗ trợ, đào tạo miễn phí về chuyển đổi số và bán hàng trên mạng xã hội, các kênh trực tuyến cho 3.000 nông dân, tiểu thương; hướng đến xây dựng công dân số, xã hội số trong nền kinh tế số, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng.