Tiêu thụ trên không gian mạng, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử là hướng đi mới, góp phần tạo thêm kênh phân phối hiện đại cho nông sản địa phương. Với tiềm năng phát triển nông nghiệp, Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện, bước đầu nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh.
Thêm triển vọng mới trong khâu liên kết, tiêu thụ nông sản
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, ngày 17/12/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 211 về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn. Mục tiêu của Kế hoạch 211 là: Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhằm tạo thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Hậu Giang.
Để thực hiện Kế hoạch số 211 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang đã xây dựng Kế hoạch số 38 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ngành nông nghiệp tỉnh đã sớm rà soát, tổng hợp danh mục nông sản, sản lượng của từng loại nông sản, tình hình sản xuất, tiêu thụ và nhu cầu tiêu thụ. Lập danh sách các sản phẩm OCOP của tỉnh, sản lượng của từng loại sản phẩm OCOP, khả năng tiêu thụ. Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tuyên truyền về việc hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, cùng với kế hoạch số 211 của Ủy ban nhân dân tỉnh được ban hành, sẽ là những điều kiện để mở ra thêm triển vọng mới trong khâu liên kết, tiêu thụ nông sản, không chỉ góp phần tránh ùn ứ sản phẩm nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp mở hướng tiêu thụ mới mà còn đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
|
Dứa - một trong những nông sản chủ lực của Hậu Giang.
|
Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng phát triển các mô hình chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp (GAP), mô hình sản xuất nâng cao giá trị nông sản, mô hình tích hợp đa giá trị trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện tại có trên 492ha sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Hậu Giang cũng đã xác định 5 sản phẩm chủ lực gồm lúa, mít, chanh không hạt, lươn, cá thát lát và các sản phẩm tiềm năng như: Khóm Cầu Đúc, mãng cầu, xoài… Trong thời gian qua đã có nhiều diện tích sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận tiêu chuẩn an toàn với diện tích trên 227ha (đạt chứng nhận VietGAP là 133,5ha, GlobalGAP là 94ha). Trên dưa hấu và dưa lưới, diện tích đạt chứng nhận là 13ha.
Đến nay, toàn tỉnh có 100 vùng trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, với diện tích 1.604ha. Trong đó, 91 vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với diện tích 1.388ha, ước sản lượng đạt 24.574 tấn/năm. 9 vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Australia…, với diện tích trên 215ha, sản lượng xuất khẩu đạt trên 4.330 tấn/năm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn của tỉnh chiếm khoảng 27%, vì vậy việc phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tỉnh Hậu Giang cũng đặt mục tiêu là hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Hậu Giang trong thời gian tới.
Nếu trước đây, anh Trần Huệ Chắc, ở ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chỉ kinh doanh theo phương thức truyền thống là thu gom nông sản, hàng hóa của nông dân để phân phối cho các đầu mối thì gần đây anh Chắc đã mở rộng thêm phạm vi bán hàng trên không gian mạng. Ban đầu, anh Chắc đăng tải sản phẩm trên các trang mạng xã hội, sau đó tìm hiểu thêm về các sàn thương mại điện tử Voso và PostMart. Nhận thấy cách đăng tải sản phẩm trên các sàn này cũng khá đơn giản, anh Chắc kiên trì bán hàng, những đơn đặt hàng đầu tiên đã tiếp thêm động lực mở thêm hướng kinh doanh mới trên không gian mạng.
Anh Chắc chia sẻ: “Nông dân ngày nay nên tham gia kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Việc bổ sung thêm một phương thức mua bán sẽ mở ra không gian kinh doanh mới, điều này ai cũng có thể tham gia được. Còn với những cô bác lớn tuổi việc tiếp cận với công nghệ lúc đầu sẽ còn bỡ ngỡ, nhưng chỉ cần chịu khó thao tác một vài lần hoặc nhờ người trẻ hướng dẫn cũng thuần thạo cách bán hàng một cách nhanh chóng”.
Còn bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử là xu hướng của các doanh nghiệp hiện nay. Lợi ích mang lại đầu tiên so với phương pháp kinh doanh truyền thống là tiết kiệm được nhiều chi phí, từ thuế, thiết kế gian hàng, chi phí con người… Ngoài ra, trên không gian mạng chúng ta cũng có thể đính kèm nhiều hình ảnh cho sản phẩm, từ đó giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu kỹ hơn về hàng hóa cần mua”.
Có thể thấy việc hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử chính là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số và làm quen kinh doanh với môi trường trên không gian mạng. Qua đây, giúp các đơn vị sớm trang bị hành trang cơ bản, tâm thế sẵn sàng bước vào môi trường kinh doanh mới, phù hợp trong bối cảnh công nghiệp 4.0 cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo bà Trần Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, trong những tháng cuối năm nay, sở và các thành viên Tổ công tác hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử sẽ tập trung đào tạo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố và các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích, hiệu quả khi hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử. Tiếp tục chọn lựa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, sản phẩm để tham gia sàn thương mại điện tử Voso, PostMart. Tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho các hộ dân…
Hiện nay, các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Hậu Giang như khóm, chanh không hạt, cá thát lát, lươn... cùng nhiều mặt hàng nông sản khác đã sớm có mặt trên sàn thương mại điện tử. Tuy bước đầu số lượng chưa nhiều, nhưng đây được xem là hướng đi mới, góp phần tạo thêm kênh phân phối, tiêu thụ hiện đại và bền vững cho nông sản địa phương.