Xác định phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, Hậu Giang đang tập trung hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đây, mở rộng hơn thị trường tiêu thụ nông sản của Hậu Giang.
Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Hậu Giang trên không gian mạng là phương thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở ra hướng đi mới bền vững cho các mặt hàng nông sản.
Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, hiện nay các địa phương đang tăng cường tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp từng bước đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các các doanh nghiệp, hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử và kênh phân phối. Việc đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản phù hợp với đặc điểm quy mô, cấp độ sản xuất, gắn với ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào các sàn giao dịch điện tử là xu hướng phù hợp hiện nay.
Phụng Hiệp là huyện thuần nông với diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 80% diện tích đất tự nhiên. Do đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn. Huyện đặc biệt quan tâm thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nhất là là liên kết, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó hỗ trợ hộ sản xuất đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp huyện đang tập trung triển khai. Để tạo điều kiện cho người sản xuất, kinh doanh bán được sản phẩm trên thị trường, người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng, vừa qua huyện đã chọn lựa ra những đơn vị có tính chất phù hợp; chọn những đơn vị đã có chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đảm bảo về số lượng, đáp ứng được cho những đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, chú trọng quản lý về nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm được chọn lựa đưa lên sàn thương mại điện tử phải là sản phẩm uy tín, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Còn tại huyện Long Mỹ, địa phương định hướng tập trung sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất sạch, đảm bảo đạt theo tiêu chuẩn (GAP, hữu cơ) để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm địa phương. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp huyện cũng tập trung ứng dụng các tiến bộ trong nông nghiệp như ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số, công nghệ sinh học, hữu cơ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo về số lượng cho các hợp đồng lớn và giá thành cạnh tranh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ Dương Ngọc Hải, địa phương sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện những giải pháp mang tính đột phá. Đồng thời, tập trung ứng dụng các tiến bộ về công nghệ, công nghệ số, công nghệ sinh học, hữu cơ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo về số lượng lớn cung ứng cho thị trường.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá. Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ hộ sản xuất đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, ngành nông nghiệp tỉnh đã sớm rà soát, tổng hợp danh mục nông sản, sản lượng của từng loại nông sản, tình hình sản xuất, tiêu thụ và nhu cầu tiêu thụ. Rà soát, thống kê danh sách các sản phẩm OCOP của tỉnh, sản lượng của từng loại sản phẩm, khả năng tiêu thụ. Ngoài ra, để nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tỉnh đã xây dựng phát triển các mô hình chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp (GAP), mô hình sản xuất nâng cao giá trị nông sản, mô hình tích hợp đa giá trị trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nhằm tiếp tục hỗ trợ nông dân đa dạng kênh phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường, tăng giá trị sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản qua sàn thương mại điện tử; đây là kênh tiêu thụ nông sản đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, đặc biệt là các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất ra sản phẩm hàng hóa theo các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm hay GAP để đáp ứng được yêu cầu của thị trường…