Công nghệ số, trong đó có bán hàng online, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của các hợp tác xã (HTX) khi góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho thành viên.
Bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử từ đầu năm 2021, nhờ sản phẩm có chứng nhận VietGAP, OCOP 4 sao nên HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) được người tiêu dùng tin tưởng. Có đợt cao điểm, chỉ trong một buổi livestream trên Facebook, HTX “chốt” được cả trăm đơn hàng.
Giàu mạnh hơn nhờ bán hàng trực tuyến
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm, cho biết HTX bắt đầu tái khởi động các gian hàng trên một số sàn thương mại điện tử từ tháng 3/2022, với mục tiêu bán hàng online sẽ trở thành kênh tiêu thụ chủ lực của HTX.
“Hiện, HTX đã đàm phán được giá vận chuyển phù hợp và sẽ sớm mở rộng quy mô gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Trong thời gian dịch bệnh, nông dân của HTX được đào tạo về bán hàng online tốt hơn, họ đã biết chụp hình, quay phim, livestream để giới thiệu sản phẩm", ông Bảy nói.
Nhờ kênh online, thành viên HTX Giồng Trôm có thêm một cánh cửa để đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó giải được bài toán được mùa mất giá, nâng cao giá trị sản xuất lên từ 15-30%. Nhờ sản xuất ổn định, 100% thành viên của HTX hiện có thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm, nhiều hộ vươn lên khá giả với mức thu nhập trung bình 150-200 triệu đồng/năm.
Tương tự, kể từ đầu năm 2022, HTX Cao Nguyên Coffee (Kon Tum) bắt đầu mở thêm kênh phân phối, liên kết tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng marketing, sau đó ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhằm đưa lên các kênh bán hàng trực tuyến.
Hiện, tất cả các doanh nghiệp thuộc HTX đã chuyển sang bán hàng trên Shopee, Lazada, Sàn thương mại nông nghiệp Việt Nam và nền tảng Facebook, Zalo... Chính sự linh hoạt này giúp HTX đứng vững và phục hồi rất nhanh sau đại dịch, từ đó đảm bảo thu nhập kinh tế cho thành viên, người lao động.
|
Nhờ kênh online, nhiều HTX phát triển ổn định, tạo thu nhập cao cho thành viên, người lao động.
|
Ông Nông Văn Giang, thành viên HTX trồng quýt ở Bắc Kạn cho biết, mùa quýt năm 2021, chỉ trong một buổi livestream bán hàng chưa đầy 60 phút tại vườn với sự hướng dẫn của nhân viên sàn thương mại điện tử, ông đã "chốt" được khoảng 300 đơn hàng.
"Trong 30 năm trồng và tiêu thụ quýt, chưa khi nào tôi bán được số lượng đơn hàng lớn trong một thời gian ngắn như vậy, ít tốn công sức hơn trước kia rất nhiều. Từ đó có thể thấy nếu được quan tâm, hỗ trợ thiết thực hơn trong việc tiếp cận các kênh bán hàng online, người nông dân hoàn toàn có thể tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương", ông Giang chia sẻ và cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với kênh bán hàng online trong vụ quýt năm 2022 và các năm tới.
Cách nào đứng vững trên kênh online?
Có thể thấy, bán hàng online đang dần trở thành một trong những kênh tiêu thụ phổ biến của nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam. Việc ứng dụng tốt kênh bán hàng này không chỉ giúp đưa đặc sản vùng miền của Việt Nam tới mọi miền đất nước, mà còn tiếp cận nhanh nhất với người tiêu dùng nước ngoài.
Tuy nhiên, như trong nhiều bài viết chuyên đề của VnBusiness, để sản phẩm nông sản của HTX đứng vững trên kênh online, vấn đề chất lượng vẫn cần đặt lên hàng đầu.
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại sàn thương mại điện tử Lazada chia sẻ, tin tưởng rằng khi tham gia vào kinh doanh trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp, các HTX, các hộ gia đình, nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Việc tiếp cận với bán hàng trực tuyến sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp và người nông dân nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm, từ đó cải thiện thu nhập, mở hướng làm giàu.
Từ thực tế của địa phương, ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, nhiều nhà vườn, chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến. Thế nhưng, phương thức bán hàng vẫn còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khâu vận hành trên các sàn thương mại điện tử.
Chính vì vậy, để nông sản đứng vững trên các kênh bán hàng online, ông Kha mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh phân phối đưa sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử tại thị trường trong nước, dần hướng đến tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín thế giới.
Trong khi đó, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các doanh nghiệp, HTX cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản.
Đồng thời, các HTX, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân, hộ sản xuất. Từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.