Tại Hà Nội, người dân có thể thanh toán 3.000 đồng tiền trà đá bằng quét mã QR. Ở Lạng Sơn, nhiều nông dân đã trở thành chủ cửa hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử, khách hàng trải dài từ Bắc vào Nam. Có thể nói, chuyển đổi số đã mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt đời sống xã hội...
Nông dân 4.0
Anh Lăng Văn Hưng, người dân tộc Nùng, vốn là một thợ xây ở thôn Bãi Hào, một ngôi làng heo hút thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Một ngày đầu tháng 8.2021, khi đang đi xây thì anh Hưng được trưởng thôn gọi về để tham dự một cuộc họp, hướng dẫn về phát triển kinh tế số, bán hàng trên sàn thương mại điện tử - một chủ trương về chuyển đổi số đang được chính quyền tỉnh Lạng Sơn thực hiện.
Từ một người mù mờ về công nghệ, chỉ lên mạng xem video giải trí, sau khi được tổ công nghệ cộng đồng của địa phương hướng dẫn, anh Hưng sau đó trở thành chủ một cửa hàng bán na - vốn là đặc sản nức tiếng của vùng quê Chi Lăng, trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò.
Vốn chưa từng đi ra khỏi luỹ tre làng, khách hàng của người nông dân này giờ có cả ở TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… Trong vụ na 2021, gian hàng trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò của gia đình anh Hưng đã bán được hàng trăm đơn hàng na với doanh thu là hơn 34 triệu đồng.
Anh Hưng chỉ là một trong hàng ngàn người dân ở Lạng Sơn được hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số của địa phương.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này, chỉ 5 tháng sau khi thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng giúp người dân phát triển kinh tế số, đã có hơn 21 nghìn đơn hàng, chủ yếu là các đặc sản của địa phương như na, hồng, thạch đen… được bán ra thị trường qua các cửa hàng của người dân.trên sàn thương mại điện tử.
Cũng tại Lạng Sơn, ứng dụng cửa khẩu số đã giúp năng lực thông quan hàng hoá được cải thiện. 100% các xe hàng khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi vào Cửa khẩu Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ công nghệ cộng đồng và cửa khẩu số là 2 sáng kiến “mang thương hiệu của Lạng Sơn”. Những mô hình này sẽ được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Tại Hà Nội, người dân đi uống trà đá, có thể thanh toán bằng hình thức quét mã QR. Tại Đà Nẵng, người dân làm thủ tục đăng ký mua điện chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Còn tại Quảng Ninh, chủ tịch tỉnh ngồi ở phòng làm việc có thể truy cập vào hệ thống và biết được quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC đánh giá, chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống tại Việt Nam. Ngay bây giờ, người dân đã gọi xe qua ứng dụng (app) thay vì đi xe ôm; mua bán hàng hoá qua các trang thương mại điện tử, thậm chí giao dịch online thay vì trực tiếp đến chợ… Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển ở các vùng sâu, vùng xa của đất nước trong thời gian tới.
Xu thế phát triển của thế giới hiện đại
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân, toàn diện.
Năm 2022, cũng là năm đầu tiên Việt Nam kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10 (Theo Quyết định số 505/QĐ-TTg). Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa có công văn gửi các đơn vị về việc phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10.
Hàng loạt Bộ, ngành cũng đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10 sắp tới.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang dự thảo văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trong thời gian từ ngày 1.10 đến 10.10 hoặc trong toàn bộ tháng 10.2022 chủ động thực hiện các chương trình, sáng kiến khuyến mại, ưu đãi, chăm sóc, khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số cũng như thanh toán không dùng tiền mặt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có 2 hoạt động được dự kiến tổ chức để hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm nay gồm có tổ chức tuyên dương các giáo viên có sáng tạo trong thiết kế bài giảng e-learning và trao giải thưởng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử; mở hội nghị chuyển đổi số trong ngành giáo dục để đánh giá hiện trạng, nâng cao nhận thức và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong ngành thời gian tới.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai các sáng kiến số trong lĩnh vực giao thông vận tải mà người dân, doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng như: Giảm mức phí thanh toán trực tuyến các dịch vụ công trực tuyến để nâng cao tỉ lệ sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp; phát động sáng kiến khuyến mại, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng vận tải số trong lĩnh vực mình quản lý...