Làm giàu từ những sản vật của quê hương

Tâm huyết làm giàu trên quê hương với những sản vật có sẵn, nhóm ba bạn trẻ 9X CamLamOnline ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã thành công với việc bán sản phẩm xoài sấy muối ớt của địa phương; đồng thời quảng bá du lịch qua các kênh thương mại điện tử và trang web CamLamOnline, góp phần tiêu thụ và phát huy giá trị nông sản đặc trưng của địa phương.
Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Thanh Phong ( IT & founder CamLamOnline) kiểm tra đơn hàng đặc sản Cam Lâm qua hệ thống web của nhóm và các trang thương mại điện tử. Ảnh: TTXVN phát

Anh Đặng Thế Truyền, một thành viên của nhóm cho biết: Ba thành viên của CamLamOnline đều tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và nhà hàng khách sạn cùng với thâm niêm gần 12 năm trong nghề. Do đó, các anh hiểu rõ tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quyết tâm tận dụng thế mạnh này để lập thân, lập nghiệp khi trở về quê hương với hy vọng góp sức phát triển, nâng tầm tên gọi Cam Lâm trên bản đồ du lịch nội địa và hòa cùng xu hướng phát triển chung của ngành Du lịch Khánh Hòa.

Trong nhóm, mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau để phát triển thương hiệu và giá trị bền vững cho trái xoài cùng những sản vật đặc trưng của địa phương. Anh Đặng Thế Truyền là người điều hành CamLamOnline, quản lý truyền thông, ngoại giao… Anh Nguyễn Thanh Phong phụ trách công nghệ thông tin xây dựng website, phần mềm và app CamLamOnline… Anh Nguyễn Thành được giao quản lý nhân sự, tham mưu, hoạch định chiến lược và các công thức món ăn. Nhóm được thành lập từ năm 2020; đến nay, đã phát triển thành công ty có thương hiệu trên địa bàn huyện và tại tỉnh Khánh Hòa.

Thời gian đầu lập thân, lập nghiệp ở quê nhà, các thành viên trong nhóm có kế hoạch xây dựng một cộng đồng online để kết nối các địa điểm, gian hàng tạo ra một cộng đồng trao đổi bền vững, hội nhập và phát triển. Từ ý tưởng đó, nhóm đã bắt tay vào xây dựng những thứ thô sơ nhất từ hình ảnh, khai thác về văn hóa, ẩm thực và đời sống thường nhật của địa phương để đăng tải lên CamLamOnline.com do nhóm thiết lập. Theo năm tháng, các nội dung trên web được đón nhận và có chỗ đứng trong trái tim của nhiều người.

Chú thích ảnh
Đặc sản Cam Lâm của nhóm bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo ở huyện Cam Lâm không chỉ được bán qua kênh thương mại điện tử mà được xúc tiến bán hàng ở nhiều hội chợ nông sản, hàng hóa của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN phát

Hiện tại, hệ sinh thái của CamLamOnline bao gồm 5 group facebook với hàng ngàn lượt theo dõi như: Địa Điểm Cam Lâm, Tôi Là Dân Cam Lâm, Review Du Lịch Cam Ranh, Nguồn Hàng Sỉ, Bất Động Sản Cam Lâm. Ngoài ra, website CamLamOnline.com, kênh tiktok CamLamOnline.com, Youtube CamLamOnline và cùng việc thanh gia nhiều sàn thương mại điện tử (như Postmart, Tiki , Lazada, Shopee…) giúp lượt tiếp cận đến khách hàng tốt để quảng bá sản phẩm cũng như hình ảnh đặc sản và con người Cam Lâm.

Anh Đặng Thế Truyền chia sẻ, Cam Lâm có hơn 6.000 ha canh tác các giống xoài, đồng thời rất phong phú các sản phẩm du lịch. Nếu du lịch phát triển tốt, các sản phẩm nông sản đặc trưng được tiêu thụ nhanh. Tận dụng xu hướng quảng bá, bán hàng qua kênh thương mại điện tử đang phát triển tại Việt Nam, nhóm đã mở ra con đường mới cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương...

Theo anh Truyền, sinh ra và lớn lên ở xứ xoài, các thành viên trong nhóm luôn trăn trở về việc phát huy giá trị nông sản của địa phương. Vì vậy, nhóm quyết định khởi nghiệp với mô hình kinh doanh "Xoài sấy muối ớt". Trong xoài có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao có lợi cho sức khỏe nhưng quả xoài tươi rất khó bảo quản, nếu qua chế biến thì có thể bảo quản lâu, phù hợp với việc vận chuyển đi xa. Sau nhiều khó khăn trong quá trình thử nghiệm, sản phẩm "Xoài sấy muối ớt" ưng ý như thời điểm hiện tại đã ra đời.

Theo trưởng nhóm CamLamOnline, sản phẩm xoài được sấy với tỷ lệ 1/4 (cứ 4 tấn xoài tươi sẽ được khoảng 1 tấn sản phẩm sấy); được bảo quản trong hộp nhựa đóng nắp nhôm. Hướng đến đối tượng khách du lịch, bao bì và nhãn mác được CamLamOnline chú trọng. Giá thành tuy cao hơn nhưng đây sẽ là điều khác biệt, làm nên thương hiệu xoài sấy Cam Lâm. Toàn bộ nhân viên của nhóm có gần 30 người để chế biến và phân phối sản phẩm. Tùy vị trí việc làm, nhân viên có mức lương từ 4,5 - 8 triệu/người/tháng. Hiện giá thành niêm yết trên website là: loại 300gram giá 105.000 đồng, loại 700 gram là 215.000 đồng. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí chiếm 25-30%.

Ngoài "Xoài sấy muối ớt", hiện CamLamOnline đang triển khai nhiều địa điểm trưng bày các sản phẩm chế biến từ xoài như: trà xoài (10 loại), kem xoài, xôi xoài, budding xoài, bingsu xoài... Bên cạnh đó, CamLamOnline còn hỗ trợ review địa điểm, review món ăn, chụp ảnh không gian địa điểm, chụp ảnh sản phẩm…

2 trong 3 bạn trẻ của nhóm bạn trẻ 9X CamLamOnline với trái xoài tươi. Ảnh: TTXVN phát

Anh Đặng Thế Truyền cho biết thêm, để có được bước đầu thành công, các các sở, ban, ngành đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để CamLamOnline đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, hội nghị cùng với ước mơ quảng bá trái xoài Cam Lâm đến gần hơn với người tiêu dùng trên khắp cả nước. Thời gian tới, CamLamOnline sẽ hoàn thành việc đăng ký sản phẩm "Xoài sấy muối ớt" là sản phẩm OCOP của địa phương Khánh Hòa; đồng thời phát triển sản phẩm này tại nhiều thị trường lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… để làm bàn đạp xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á. Hy vọng với những gì CamLamOnline làm được đến thời điểm này sẽ góp phần tạo nên động lực, là nguồn cảm cảm hứng cho các bạn trẻ tại địa phương và các bạn ở xa trở về và cùng cống hiến, phát triển nông sản quê hương. CamLamOnline sẵn sàng đầu tư hoặc đồng hành cùng các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và sáng tạo giúp quê hương phát triển.   

Anh Trần Nhất Luân, Bí thư Huyện Đoàn Cam Lâm nhận định, nhóm bạn trẻ CamLamOnline đã tâm huyết cống hiến cho quê hương. Các thành viên của nhóm không chỉ kết nối, buôn bán những sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giúp người nông dân tiêu thụ nông sản khi chính vụ, tránh được mùa mất giá mà còn đưa các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đến với du khách cả nước. Đây sẽ là mô hình để Huyện Đoàn chia sẻ đến các bạn trẻ địa phương trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Theo Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, sinh viên. Nhiều mô hình đã tạo tiếng vang cho phong trào thanh niên tự thân lập nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có mô hình của nhóm bạn trẻ CamLamOnline.

Xác định thương mại điện tử là hướng đi mới để đưa các sản phẩm nông sản tỉnh nhà vươn xa hơn nữa, Hậu Giang đang đẩy mạnh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng và áp dụng khoa học công nghệ nói chung là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa đạt được yêu cầu từ truy xuất nguồn gốc, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tới sử dụng máy bay không người lái vào sản xuất.

Nhiều sản phẩm OCOP của TP.HCM đã lên các sàn thương mại điện tử. Dù mới tiếp cận nhưng lượng khách hàng thông qua các kênh này được đánh giá khả quan và nhiều tiềm năng.

“Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp số, nông dân số và các dịch vụ số tạo ra những sản phẩm an toàn có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao” là một mục tiêu quan trọng trong chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030 của ngành nông nghiệp Hải Phòng.

Có một chàng trai đã từ bỏ công việc công nghệ thông tin (IT) với thu nhập cao để chuyển sang kinh doanh nông sản sản và các loại hạt dinh dưỡng hướng đến sức khỏe, với khát vọng cháy bỏng muốn nâng tầm giá trị của nông sản Việt Nam.