Đẩy mạnh phối hợp, tổ chức sản xuất, chủ động trong liên kết đang là hướng đi mới, giúp các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng “rộng đường” trong việc tìm đầu ra cho nông sản, tạo bước tiến mới cho quá trình sản xuất, kinh doanh.
Dù mới được thành lập cuối năm 2021, với 22 thành viên ban đầu, nhưng ngay từ đầu vụ, HTX Nông nghiệp Vinh Lợi (HTX Vinh Lợi), đứng chân trên địa bàn huyện Thạnh Trị đã tổ chức cho các hộ thành viên xuống giống đồng loạt 50ha giống lúa thơm đặc sản ST25. Đồng thời, HTX làm đầu mối liên kết với Công ty Hongtan Food, thu mua 100% sản lượng và giá cao hơn thị trường. Công ty Hongtan Food cam kết sẽ mua lúa với giá cao hơn bình thường nếu sản phẩm được chứng nhận sản xuất hữu cơ và bao tiêu đầu ra ổn định cho thành viên HTX.
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Vinh Lợi cho biết: “Ngoài định hướng cho bà con sản xuất lúa an toàn và lúa hữu cơ, HTX còn tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ các thành viên kinh phí, kỹ thuật canh tác để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Từ đó, nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho thành viên”.
Là một trong những thành viên HTX ngay từ những ngày đầu tiên, anh Nguyễn Văn Thống nhìn nhận: “Tham gia HTX, được liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra nên chúng tôi rất yên tâm trong sản xuất. Rõ ràng, liên kết sản xuất tốt hơn tự sản xuất, thu nhập ổn định hơn trước”.
Để đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ nông sản cho các HTX, thời gian gần đây, Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng phối hợp Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể các huyện, thị xã khởi động chương trình Hội nghị chuyên đề về liên kết tiêu thụ sản phẩm và chuyển đổi số cho HTX. Chương trình đã giúp cho các HTX tháo gỡ khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo bước tiến mới trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Ngọc Thơ, Giám đốc Bưu điện tỉnh Sóc Trăng cho biết, trên tinh thần Quyết định số 1034/QĐ-BTT&TT, ngày 21/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Bưu điện tỉnh đã kết nối với Liên minh HTX tỉnh triển khai kế hoạch, hỗ trợ nhà nông tiếp cận các phương thức kinh doanh mới; trước hết, là thực hiện các hợp đồng nguyên tắc thu mua sản phẩm với HTX.
Theo đó, Bưu điện với lợi thế mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh, thành, nguồn nhân lực đông, quy trình thu gom, vận chuyển nhanh, đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm cho các HTX là khả quan. Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh Sóc Trăng còn hỗ trợ các HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, giúp các HTX được chủ động quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường kinh doanh.
Hiện, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 18 HTX trên địa bàn, ký hợp đồng nguyên tắc với Bưu điện tỉnh Sóc Trăng trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, huyện Kế Sách thực hiện 12 hợp đồng với các HTX nông sản trái cây; huyện Long Phú thực hiện 2 hợp đồng tiêu thụ bưởi da xanh và thanh nhãn; tại Thị xã Vĩnh Châu thực hiện 2 hợp đồng tiêu thụ hành tím và thanh nhãn; huyện Thạnh Trị có 2 HTX ký kết hợp đồng nguyên tắc với sản phẩm gạo.
Ông Thạch Gil, Phó Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Samaki (HTX Samaki), thị xã Vĩnh Châu cho biết: Đây là lần thứ 2, HTX ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với Bưu điện tỉnh Sóc Trăng. Trước đó, thông qua liên kết tiêu thụ với Bưu điện Sóc Trăng, HTX Samaki đã xuất ra thị trường hơn 40 tấn hành tím.
“Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, HTX gặp khó về đầu ra cho sản phẩm hành tím. Ngay sau khi chúng tôi kết nối với Bưu điện tỉnh, 10 tấn hành tím đã được đưa ra thị trường. Mới đây, HTX tiếp tục liên kết với Bưu điện tỉnh tiêu thụ hơn 30 tấn hành tím nữa. Đến với Hội nghị tiêu thụ sản phẩm và chuyển đổi số cho HTX (tháng 8/2022), chúng tôi đã ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ khoảng 100 tấn hành tím với Bưu điện tỉnh Sóc Trăng. Với hợp đồng này, các thành viên HTX càng có niềm tin và động lực sản xuất vì không phải lo đầu ra cho sản phẩm như trước”, ông Thạch Gil chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng: Nhờ tích cực triển khai công tác kết nối giữa Doanh nghiệp, với các HTX, tổ hợp tác và nông dân, việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều; việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ ngày càng được chú trọng, diện tích liên kết tiêu thụ trên cây lúa ngày càng tăng. Điều này tạo động lực rất lớn cho nông dân và các HTX chủ động, tích cực đẩy mạnh sản xuất, tạo bước tiến, hướng đi mới cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các HTX.
“Mặc dù đã có nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mại đã thực hiện, nhưng hiệu quả cũng chưa được như mong đợi. Hiện nay, một phần cũng do năng lực của các HTX, Tổ hợp tác còn hạn chế, chưa tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa doanh nghiệp và các tổ chức liên kết với nhau”, ông Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ.
Tại cuộc làm việc với ngành Nông nghiệp mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam đã đề nghị, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tiếp tục quan tâm tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn liên kết nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện của nông dân có cơ hội tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân có hợp đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản có hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, triển khai Chương trình, dự án hỗ trợ các HTX, Tổ hợp tác xây dựng kế hoạch sản xuất theo chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm giảm rủi ro, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.