Hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, tạo năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu hướng thị trường, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đang từng bước chuyển đổi số (CĐS) nhằm phát triển khu vực kinh tế tập thể.
Những câu chuyện thành công nhờ CĐS
Thanh Hóa hiện có 828 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 490 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 65,42% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 280 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước, công nghệ sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới, công nghệ sản xuất gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…); 35 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 48 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.
Thích ứng với xu thế chung của xã hội, đã có nhiều HTX vượt lên khó khăn nội tại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, CĐS trong quá trình sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu: nongsanantoanthanhhoa.vn; các trang mạng xã hội như: zalo, facebook… nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững.
Xác định ứng dụng khoa học-công nghệ, đẩy mạnh CĐS trong hoạt động sản xuất, quảng bá và giới thiệu sản phẩm ngay từ khi mới thành lập, HTX Bản Thổ (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân) đã đạt được những thành công nhất định.
Nhờ xác định được hướng đi đúng đắn, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá ổn định, doanh thu tăng hàng năm. Trong năm 2022, HTX dự kiến sẽ chế biến, tiêu thụ trên 20 tấn sản phẩm mật ong gồm: mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như: gừng, tỏi, nghệ... Trong đó, phần lớn đơn hàng của HTX đều được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số.
Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, Giám đốc HTX Bản Thổ cho biết: HTX Bản Thổ đã thông qua kênh bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước. Việc bán hàng thông qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, xây dựng hệ thống bán hàng online thông qua nhà phân phối… không chỉ giúp tiếp cận không giới hạn khách hàng mà việc kinh doanh trên các nền tảng số còn góp phần giúp HTX tìm kiếm thêm thị trường trên ứng dụng số, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới thuận lợi hơn.
Nhận thức CĐS trong nông nghiệp không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, mà còn là ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm thông qua công nghệ và hình thức thương mại điện tử… Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 thuộc HTX Cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) đã đẩy mạnh CĐS góp phần xây dựng thành công thương hiệu và khẳng định được vị thế của công ty.
Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, Trưởng Bộ phận kinh doanh, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 cho biết: Công ty hiện có 4,4 ha nhà màng, nhà lưới trồng các loại dưa vàng Kim Hoàng Hậu, dưa chuột Baby, hoa lan Hồ Điệp… sản lượng dưa vàng Kim Hoàng Hậu đạt khoảng 120 tấn/năm; dưa chuột Baby đạt 40-45 tấn/năm; cà chua đạt khoảng 40 tấn/năm; rau ăn lá họ cải đạt khoảng 20 tấn/năm. Trong đó, dưa Kim Hoàng Hậu và dưa chuột Baby của công ty được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, các loại rau củ khác được chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Các loại nông sản của công ty từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc đều được thực hiện trong nhà màng, nhà lưới, được phun tưới tự động, chế độ phân bón khoa học, nhiệt độ được điều chỉnh theo giai đoạn sinh trưởng… Việc quảng bá, bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử là yếu tố rất quan trọng để quảng bá và tăng doanh thu bán hàng. Chính nhờ tham gia sàn thương mại điện tử, sản phẩm của công ty đã được các đối tác biết đến và đặt hàng nhiều hơn.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh nhận định, hiệu quả từ hoạt động CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được minh chứng từ thực tiễn. Việc các HTX đẩy mạnh CĐS, đầu tư mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới và tăng cường công tác tổ chức, đào tạo cho các thành viên sử dụng các ứng dụng để đưa sản phẩm lên các trang mạng, chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và thông tin về sản phẩm lên mạng xã hội; đẩy mạnh bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, nỗ lực áp dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ, doanh thu hàng hóa dịch vụ cho các HTX.
Vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc CĐS trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.
Qua nắm bắt chỉ có khoảng trên 55% các HTX nông nghiệp trên địa bàn có trang bị hệ thống máy tính, chủ yếu là để quản lý kế toán và lưu trữ dữ liệu; Nguồn lực tài chính tại các HTX còn quá thấp để đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ. Bên cạnh những HTX chú trọng, đầu tư áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn những HTX hoạt động theo phương thức truyền thống, chưa mạnh dạn trong việc áp dụng CĐS vào HTX. Hoạt động của các HTX quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh truyền thống, chưa có tính bền vững, chất lượng dịch vụ chưa cao. Lực lượng lao động trong khu vực HTX chủ yếu làm việc truyền thống, còn lại chưa được qua đào tạo, thiếu cơ bản các kỹ năng phục vụ cho quá trình CĐS như tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh. Trình độ năng lực quản lý của cán bộ HTX còn nhiều bất cập, chưa năng động, sáng tạo, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp cận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn hạn chế…
Thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động CĐS trong khu vực kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn về CĐS, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng tem nhãn, truy suất nguồn gốc… Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời, tăng cường tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thích ứng với quá trình CĐS, công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh mới và đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh. Tích cực đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX thông qua các lớp tập huấn nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững.