Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm Việt. Đối với nông sản Việt, đây là cơ hội vươn xa ra thị trường thế giới.
Thêm cơ hội kết nối khách hàng
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban, tham gia sàn thương mại điện tử, hợp tác xã và người nông dân dễ nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất... Hiện tại, việc bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử góp phần giúp hợp tác xã tiêu thụ 500-700kg rau, củ, quả/ngày; doanh thu đạt 18-20 tỷ đồng/năm.
Có hơn 20 ha trồng cà gai leo tại Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, có những thời điểm sản phẩm của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Chương Mỹ) gần như không tiêu thụ được qua kênh bán hàng truyền thống, vì vậy công ty đã tìm đến các kênh bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Zalo…
Ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao cho hay, kể từ khi công ty đưa sản phẩm lên các trang bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, sản phẩm cà gai leo đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận… nên doanh thu tăng gấp 2-3 lần so với phương thức bán hàng truyền thống.
Còn theo ông Đỗ Hòa, Giám đốc đơn vị Rain coffe cho biết, đơn vị đã sử dụng một số kênh bán hàng thương mại điện tử và hiện chiếm khoảng 20% doanh số của đơn vị.
"Tôi cũng đã thử mua hàng trên TikTok và nhận thấy việc mua hàng rất nhanh và dựa nhiều vào nội dung giải trí thu hút người xem. Do đó, tôi đang tiếp tục nghiên cứu các kênh bán hàng thương mạiđiện tử và áp dụng cho kênh phân phối của đơn vị trong thời gian tới", ông Hòa nói.
Thông tin từ Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com. Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng. Điều này cho thấy thông qua thương mại điện tử, các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực nông sản có cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.
Cần chính sách hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp người sản xuất, kinh doanh có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng hàng hóa thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá… Tuy nhiên, hiện số lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn thường gặp khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử là việc doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian vào việc đăng tải sản phẩm và update thông tin. Trong khi doanh nghiệp sở hữu nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin chi tiết cũng như số lượng hàng hóa khác nhau. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải phải dành thời gian để tương tác với khách hàng thường xuyên.
"Hiện nay, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là hợp tác xã khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa phổ biến. Ở những bước đầu triển khai, các đơn vị gặp phải một số vướng mắc như thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn am hiểu về thương mại điện tử, nên xảy ra tình trạng duy trì các gian hàng và tiếp cận khách hàng vẫn chưa hiệu quả", Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) Lê Văn Tám cho hay.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận sàn thương mại điện tử nên việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng; giá bán cũng chưa phù hợp với biến động của thị trường...
Mặt khác, việc bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream), cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử… chưa được triển khai thường xuyên.
Để khắc phục những hạn chế này, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất… qua đó hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó là hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao; hướng dẫn cách sử dụng nền tảng thương mại điện tử trên máy tính, điện thoại thông minh, để nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới trên sàn thương mại điện tử.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những "nút thắt" này, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, từ nay đến hết năm 2025 đơn vị sẽ phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương thương mại điện tử quốc gia - GoOnline.gov.vn", qua đó hỗ trợ 200.000 doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử như: Chuyển đổi số ứng dụng phần mềm; ứng dụng thanh toán điện tử; xây dựng chuỗi bán hàng đa kênh...
Đối với Hà Nội, thời gian tới, các sở ngành, địa phương sẽ tăng cường phối hợp hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người nông dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Có thể thấy, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP. Hà Nội.