Chuyển đổi số hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp, HTX địa phương còn khó khăn nhưng đây là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Sản xuất rau theo hướng VietGAP tại HTX Rau sạch Chúc Sơn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số-Bộ Công thương, cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới đã tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực và đang phát huy được những ưu thế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Đây là cơ hội tốt thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp, HTX từ cấp Trung ương đến địa phương.
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, được xem là một thị trường tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng liên tục cao trong khu vực. Những năm gần đây, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Hoàng, việc phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương cũng được xác định là một trong những phương thức phân phối mới, tạo tiền đề cho thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0, hướng sản xuất tới các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế.
Đa số các tỉnh, thành phố tại Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng như vải thiều, mận hậu, xoài, dâu tây, bưởi, nhãn lồng, bí xanh... hay các loại thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện về xuất khẩu truyền thống, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cũng tiếp tục tập trung phát triển tại thị trường trong nước khắp các tỉnh, thành phố và phát triển khi kinh tế số trong nông nghiệp đang trở thành xu hướng mới.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, HTX đã không còn xa lạ với các hình thức kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên chưa thực sự bài bản và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào vận hành. Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các tỉnh, các Sở Công thương địa phương, công tác tổ chức kết nối, hướng dẫn từ các Bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử lớn, việc phân phối nông sản vào chính vụ của người dân trên các nền tảng trực tuyến đã thuận lợi hơn, quy trình dễ dàng hơn, các giải pháp số trong nông nghiệp đa dạng hơn và dần nâng cao được giá trị của các sản phẩm nông sản của địa phương.
Phát triển sàn thương mại hiệu quả
Dây chuyền sơ chế, đóng gói tại HTX rau sạch Chúc Sơn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn cho biết, HTX được thành lập từ năm 2016. Hiện nay HTX tập trung sản xuất những sản phẩm truyền thống và có lợi thế của địa phương như các loại rau ăn lá, rau gia vị với diện tích là 17,8ha, trong đó 12.8ha chứng nhận VietGap, 5ha Global GAP.
Ngoài ra, HTX đã mở chi nhánh tại Mộc Châu để sản xuất các loại rau mùa - hè như bắp cải, cà chua, dưa chuột, cải thảo... Đồng thời HTX liên kết xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích nhà lưới có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động với diện tích 1,2ha, giá trị đầu tư trên 3 tỷ đồng.
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ xây dựng được hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn thông qua dự án do Viện Phát triển Công nghệ và Giáo dục phối hợp Ngân hàng Thế giới hỗ trợ. Theo đó, khu sản xuất rau an toàn của HTX có Trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành. Hệ thống này cho phép cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… Đây là một trong những căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau phù hợp và hiệu quả.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ khách hàng truy xuất nguồn gốc rau an toàn, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã lắp đặt 4 camera, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt, năm 2019 HTX Rau quả sạch Chúc Sơn có 6 sản phẩm, gồm: Hành lá, rau muống, rau cải canh, rau mùng tơi, cà chua, rau mùi ta đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.Việc được công nhận sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao sẽ góp phần nâng cao hơn nữa niềm tin của người tiêu dùng và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng hơn cho thương hiệu rau sạch Chúc Sơn.
Năm 2021 HTX đã thu mua rau của thành viên là 820 tấn rau các loại. Doanh thu đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020, tăng 2,4 lần so với năm 2016, lương bình quân của cán bộ công nhân viên đạt 6,7 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, HTX đã và đang ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử vào sản xuất, đảm bảo công khai và minh bạch sản phẩm, đầu tư mua sắm máy móc và phương tiện vận chuyển đáp ứng nhu cầu sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Thám, những năm qua HTX đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, hợp đồng tiêu thụ rau cho thành viên chỉ đạt 20% trong tổng diện tích vùng rau của địa phương, việc mở rộng liên kết sản xuất, phát triển thị trường còn chậm và chưa thực sự bền vững.
Ngoài ra, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào quản lý, sản xuất còn bất cập, như công nghệ tự động hệ thống tưới, xử lý thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt còn chưa phù hợp, giá quá cao. Các hệ thống phần mềm về quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc còn thiếu, ít có sự lựa chọn hoặc không phù hợp.
Trong phát triển thương mại điện tử còn có quá nhiều sàn giao dịch, nhưng chưa có sàn nào thực sự kết nối thuận lợi và hiệu quả với nông dân.
Vì vậy, Giám đốc HTX Rau sạch Chúc Sơn mong muốn thành phố có biện pháp hỗ trợ HTX tiếp cận về đất đai như điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất cho các HTX thuê làm nhà kho, cửa hàng vật tư, văn phòng làm việc… Đặc biệt là có sự hỗ trợ về xây dựng các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông - nghiệp, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ mới trong quản lý sản xuất, trong xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý đất, bảo vệ cây trồng để phát triển nông nghiệp sinh thái.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX phối hợp với Sở NN&PTTN các đơn vị chuyên môn, lựa chọn và phát triển một số sàn thương mại điện tử minh bạch để kết nối các HTX tiêu thụ sản phẩm trên sàn hiệu quả và bền vững,
Theo ông Bùi Huy Hoàng, chuyển đổi số hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp, HTX địa phương còn khó khăn nhưng đây là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã - hội nhanh và bền vững, tránh bị tụt hậu. Chính vì vậy chúng ta cần khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo. Quan trọng nhất chính là sự chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ của chính những chủ thể kinh doanh.