Giá cao su tại các sàn châu Á biến động mạnh trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Nhật Bản và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm nhu cầu chậm lại.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 7, giá cao su tại các sàn châu Á biến động mạnh trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Nhật Bản và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm nhu cầu chậm lại.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng lên 261 Yên/kg vào ngày 15/7 nhưng sau đó giá giảm mạnh.
Ngày 18/7 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 254,2 Yên/kg (tương đương 1,84 USD/kg), giảm 0,5% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại sàn SHFE Thượng Hải giá giảm mạnh. Ngày 18/7, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.930 NDT/tấn (tương đương 1,77 USD/tấn), giảm 4,7% so với 10 ngày trước đó và giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm mạnh. Ngày 18/7 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 62,3 Baht/kg (tương đương 1,7 USD/kg), giảm 3,4% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường Việt Nam, trong 10 ngày giữa tháng 7, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh biến động nhẹ.
Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 310-290 đồng/ TSC, giảm 10 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ổn định ở mức 323-325 đồng/TSC. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 295-305 đồng/TSC.
Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có 938.800 ha, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn năm 2021, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu. Dự kiến sản lượng mủ cao su thu hoạch trong cả năm 2022 đạt khoảng 1,3 triệu tấn.