Cùng với các loại quả thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, từ ngày 1/7, quả chanh leo Việt Nam chính thức được xuất khẩu thí điểm vào thị trường Trung Quốc.
Sau gần 6 năm đàm phán, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam từ 1/7/2022. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) – cho hay, trước mắt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc): Hữu Nghị quan; Pò Chài; Ga Đường sắt Bằng Tường; Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật. Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình xuất nhập quả chanh leo tươi của Việt Nam để làm cơ sở tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam.
Hiện, tại Việt Nam có 46 địa phương trồng và sản xuất cây chanh leo với hơn 6.000ha, sản lượng đạt hơn 111.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt 22,67 tấn/ha. Dự kiến, giai đoạn năm 2025 - 2030, cả nước ổn định diện tích chanh leo từ 12.000 - 15.000ha, sản lượng quả tươi đạt 300.000 - 400.000 tấn/năm. Tất cả vùng trồng muốn xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)… Phía Trung Quốc cũng đặt ra những yêu cầu về quản lý cơ sở đóng gói, bao bì quy cách đóng gói rất nghiêm ngặt...
Ông Nguyễn Thiện Chân - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đăk Nông - chia sẻ, với diện tích 1.300 ha trồng chanh leo và sản lượng khoảng 27.0000 tấn/năm, mặc dù không vướng mắc trong tiêu thụ, nhưng để cây chanh leo phát triển bền vững cần nhiều yếu tố. Cụ thể, mặc dù đã hình thành các vùng trồng tập trung và xây dựng mã số vùng trồng, tuy nhiên, qua rà soát kiểm soát thì hiện còn rất ít, mới có 2/28 mã đang hoạt động, mã vùng sơ chế đóng gói cũng chỉ có 2/4 mã đang hoạt động. “Hiện, Chi cục đang hoàn thiện 6 bộ hồ sơ cho các loại cây trồng, trong đó có quả chanh leo, đề nghị Cục sớm cấp mã số vùng trồng cho địa phương” - ông Nguyễn Thiện Chân cho biết. Đồng thời, đề nghị Cục sớm có bộ hồ sơ hoàn chỉnh để tập huấn cho cán bộ chuyên môn địa phương, để từ đó hướng dẫn cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường...
Tương tự, ông Dương Gia Định - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Sơn La -chia sẻ, việc chanh leo vào được thị trường Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng nhưng để giữ và phát triển được thị trường chắc chắn sẽ khó hơn rất nhiều. Theo đó, chanh leo cần có mã số vùng trồng, tuy nhiên, người sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, do nhận thức còn hạn chế nên việc trồng trọt, chăm sóc theo tiêu chuẩn GAP còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các cơ sở đóng gói trên địa bàn nhưng không nhiều đơn vị đạt yêu cầu.
Trước những kiến nghị từ các địa phương, Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, đơn vị sẽ thực hiện một loạt các hoạt động để hỗ trợ xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc như rà soát lại các vùng trồng, cơ sở đóng gói mà trước đây đã chuẩn bị, trên cơ sở hướng dẫn của phía Trung Quốc. Sau đó, hai bên sẽ thống nhất lại danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc.